Trẻ cáu gắt là một phản ứng tự nhiên trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ, đó là một trong những giai đoạn phát triển bình thường mà bất kỳ một bé nào cũng sẽ phải trải qua. Mỗi bạn nhỏ sẽ có những cách thể hiện sự cáu gắt khác nhau có thể thông qua hành vi ném đồ, la hét, khóc lóc, ăn vạ hay thậm chí là một số hành động bạo lực nhỏ.Điều này đặc biệt phổ biến trong độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi, khi trẻ đang tìm cách thích nghi với thế giới xung quanh và học cách tự quản lý cảm xúc của mình. Cũng tùy sự phát triển của từng bé mà cơn cáu giận sẽ kéo dài trong bao lâu, có thể là vài phút, cũng có thể là vài ngày hoặc thậm chí là cả tháng hoặc cả năm.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự hay cáu gắt bực bội ở trẻ nhỏ?
I. Nguyên nhân dẫn đến sự hay cáu gắt ở trẻ:
- Sự phát triển của não bộ:
Một thông tin tích cực là sự cáu gắt ở trẻ là tín hiệu tốt của sự phát triển vượt trội của não bộ. Theo một số nghiên cứu khoa học, cùng với sự phát triển về thể chất thì các nơ-ron thần kinh não cũng có sự phát triển đáng kể trong độ tuổi nhạy cảm từ 0-3 tuổi . Việc cơ thể nhỏ bé vẫn chưa kịp phát triển để song hành với sự phát triển vượt trội của não bộ có thể gây nên sự mất cân đối làm cho trẻ trở nên dễ bị kích động, cáu gắt và khó chịu hơn.
Sau mỗi giai đoạn cáu gắt ba mẹ sẽ thấy trẻ có một sự tiến bộ vượt trội ở một khía cạnh nào đó. Ví dụ như: nói từ đơn, hoặc 2 từ trở lên, đi đứng, chạy nhảy, cảm thụ âm nhạc tốt hơn,…
- Khó khăn trong các thể hiện cảm xúc:
Trẻ nhỏ trong độ tuổi nhạy cảm thường chưa phát triển được kỹ năng giao tiếp đầy đủ. Những việc trẻ không làm được như không thể giải được một trò chơi hoặc trẻ chưa thể diễn đạt đúng ý mình muốn điều này có thể làm cho trẻ dễ cáu gắt và khó chịu. Giai đoạn này trẻ có thể xuất hiện tình trạng mè nheo, khóc nhè ở trẻ nhỏ vì “khóc” là hành động giúp bé thể hiện bản thân mình đang không thích, không vui và cần được đáp ứng mong muốn ngay lập tức.
- Ảnh hưởng của môi trường xung quanh:
Việc thay đổi môi trường thường xuyên liên tục, hoặc thay đổi về thói quen hằng ngày (như cai sữa, rèn ngủ,…) hoặc ảnh hưởng từ việc dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử, cũng là những nguyên nhân gây nên áp lực cho các bé khiến bé trở nên cáu gắt khó chịu và giận dữ hơn.
- Ảnh hưởng từ chính người thân trong nhà:
Ba mẹ cũng có thể là nguyên nhân chính khiến bé trở nên bức bối và cáu giận khi cấm đoán trẻ, bắt trẻ làm theo ý người lớn hoặc không dành nhiều thời gian để tâm sự với bé hoặc chơi cùng bé. Việc này có thể vô tình gây ra áp lực lên trẻ làm cho trẻ dễ bị cáu gắt và có thể không biết cách xử lý những cảm xúc này một cách hiệu quả.
II. Phương pháp để xoa dịu sự tức giận ở trẻ một cách tích cực:
Ba mẹ đã có thể phần nào hiểu được nguyên nhân dẫn đến việc hay cáu gắt trong giai đoạn nhạy cảm của trẻ. Trong giai đoạn này nếu ba mẹ không đủ kiên nhẫn có thể gây nên những tổn thương tâm lý cũng như gây mất lòng tin ở trẻ. Vậy ba mẹ cần làm gì để có thể phần nào xoa dịu cảm xúc của trẻ và hiểu được trẻ hơn. Dưới đây là một số gợi ý dành cho ba mẹ:
- Tạo không gian yên tĩnh:
Khi trẻ tức giận,ba mẹ hãy đưa trẻ đến một chỗ yên tĩnh và an toàn, nơi trẻ có thể tự do thể hiện cảm xúc của mình cũng như trẻ có nơi để bình ổn lại cảm xúc trong lòng. Điều duy nhất ba mẹ có thể làm lúc này chính là bình tĩnh chờ đợi cơn giận của bé qua đi hoặc ba mẹ cũng có thể lánh đi một lúc. Khi bé bình tĩnh lại hãy lắng nghe và trò chuyện để bé có thể giải tỏa hết cảm xúc bên trong mình. Cố để hiểu trẻ trong lúc trẻ đang giận, ném đồ hoặc khóc lóc có thể khiến cho ba mẹ trở nên mất kiểm soát trước mặt trẻ và có thể có những hành động không đúng.
- Giúp trẻ hiểu và diễn đạt cảm xúc:
Hỗ trợ trẻ hiểu và diễn đạt cảm xúc của chính mình bằng cách khích lệ trẻ nói ra những nguyên nhân chính dẫn đến sự bức xúc, bực bội . Ba mẹ nên thể hiện sự quan tâm và không đánh giá hoặc phê phán cảm xúc của trẻ. Dạy trẻ cách sử dụng những từ ngữ thích hợp để diễn tả cảm xúc hoặc giúp trẻ xây dựng kỹ năng giao tiếp tích cực hơn.
- Thiết lập quy tắc giới hạn hợp lý:
Đặt ra những quy tắc giới hạn rõ ràng và hợp lý cho trẻ, giúp trẻ hiểu rõ những hành vi có thể chấp nhận được và không chấp nhận được khi bé nóng giận. Việc đặt ra những quy tắc giúp trẻ dễ dàng định hình các hành vi và biết rõ được bản thân phải làm gì trong những tình huống khác nhau.
- Khuyến khích kỹ năng tự quản lý cảm xúc:
Khi trẻ tức giận, thường thở nhanh và không đều, điều này xảy ra trong một thời gian dài có thể làm tăng tình trạng căng thẳng và khả năng trầm cảm ở trẻ. Hướng dẫn trẻ hít thở sâu và chậm giúp giảm cơn tức giận và dễ dàng lấy lại bình tĩnh hơn.
Dạy trẻ các kỹ năng tự quản lý cảm xúc như hô hấp sâu, tập trung vào những điều tích cực, hay hình dung ra hình ảnh thư giãn. Những kỹ năng này giúp trẻ tự điều chỉnh cảm xúc và giảm căng thẳng khi gặp phải tình huống khó khăn.
- Để trẻ tự do thể hiện sáng tạo:
Thay vì dành thời gian quá nhiều cho các thiết bị diện tử hãy khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc qua các phương tiện sáng tạo như vẽ tranh, hát, nhảy viết nhật ký, hoặc chơi trò chơi. Nói chuyện với trẻ và khích lệ trẻ chia sẻ những gì trẻ cảm nhận thông qua các hoạt động này. Điều này giúp trẻ giải tỏa những cảm xúc dồn nén ở bên trong cũng như một các ba mẹ có thể giao tiếp và hiểu thêm về suy nghĩ bên trong của trẻ.
- Tạo ra nếp sinh hoạt lành mạnh:
Việc nghỉ ngơi không đầy đủ hoặc những lúc thiếu ngủ cũng khiến cho trẻ dễ bị căng thẳng, bức bối. Hãy đảm bảo giờ giấc sinh hoạt của trẻ để trẻ có một giấc ngủ ngon vừa có thể giúp cho sự phát triển của não bộ vừa giúp cho trẻ thoải mái vui vẻ hơn.
- Tôn trọng ý kiến của trẻ:
Không tự ý bắt trẻ làm theo ý người lớn. Hãy nói chuyện và đưa ra cho trẻ hai hoặc nhiều hơn các sự lựa chọn để trẻ có thể được làm theo ý mình trong phạm vi ba mẹ có thể kiểm soát được. Đừng đột ngột bắt trẻ dừng lại hoạt động trẻ đang làm để làm theo ý người lớn muốn, điều này chỉ khiến trẻ khóc to hơn, mè nheo ăn vạ và ba mẹ sẽ căng thẳng hơn mà thôi.
Cuối cùng,ba mẹ hãy bình tĩnh tâm lý, dịu dàng khi đối diện với trẻ đang tức giận. Trẻ nhỏ thường sao chép và học hỏi từ người lớn xung quanh, do đó, cách ba mẹ tỏ thái độ và ứng xử trong những tình huống khó khăn có thể ảnh hưởng lớn đến cách trẻ học cách xử lý cảm xúc của mình.Một cái ôm thật chặt và kiên nhẫn lắng nghe có thể tạo ra môi trường an toàn và đáng tin cậy cho trẻ, và đồng thời khuyến khích trẻ học hỏi và áp dụng những cách ứng xử tích cực. Việc giữ được bình tĩnh có thể giúp ba mẹ kiểm soát cự bùng nổ của bé dễ dàng hơn.
Có thể ba mẹ quan tâm:
- Ba mẹ làm gì để giúp con phát triển thể chất và tinh thần.
- Phương pháp giáo dục Montessori định nghĩa về thời kỳ nhạy cảm
- Giáo dục với giáo cụ trực quan mang tới trải nghiệm tuyệt vời cho bé.